Huan Blog: Danh lam trong nước | Thủ thuật Blog / Thủ thuật Tin học

Preview
Latest Post
Hiển thị các bài đăng có nhãn Danh lam trong nước. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Danh lam trong nước. Hiển thị tất cả bài đăng

Gương mặt mới của di tích lịch sử - văn hóa Dinh Độc Lập

Written By Unknown on Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014 | 15:17

Tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra lễ khai trương Lộ trình tham quan mới tại Dinh Độc Lập, di tích quốc gia đặc biệt. Lộ trình mới này đã làm thay đổi hẳn bộ mặt và cách tham quan di tích lịch sử quan trọng này. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia- người tư vấn quan trọng đối với Lộ trình tham quan mới này.

Cung cấp thông tin để khách tham quan có thể tự đọc, tự khám phá.

Hàng năm di tích lịch sử văn hóa Dinh Độc lập thường đón gần một triệu khách tham quan trong và ngoài nước. Đó là một con số rất lớn đối với các bảo tàng, di tích hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên suốt mấy chục năm nay khách đến di tích này thường chỉ được khi xem những hiện vật trong hơn 30 căn phòng làm việc trước đây ở Dinh. Những thông tin họ nhận được chỉ qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên của Dinh hoặc của các công ty du lịch.

Khách không được tự trải nghiệm, tự khám phá thông tin bằng thị giác. Hơn nữa cách hướng dẫn khá phiền toái theo kiểu gom các nhóm khách thăm lại thành từng đoàn 50 đến 100 người. Khách đi lẻ hay đoàn phải chờ đủ số người mới được hướng dẫn làm mất cảm hứng và mất nhiều thời gian của khách. Đặc biệt do hướng dẫn các đoàn quá đông người nên hướng dẫn viên đều dùng loa để mọi người có thể nghe, điều đó gây sự ồn ào, phản cảm với khách thăm, làm mất tính trang nghiêm, tĩnh lặng ở đây.


Nhận thấy khiếm khuyết này, được sự tư vấn của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lãnh đạo và tập thể cán bộ viên chức ở di tích này đã quyết tâm đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng giới thiệu di tích lịch sử quan trọng này. Bước đi ban đầu của sự đổi mới này là thay đổi cách tham quan, xóa bỏ cách dùng loa hướng dẫn với những nhóm đông người mà tạo điều kiện cho khách thăm bằng cách cung cấp thông tin để khách có thể tự đọc, tự khám phá.

Công việc chuẩn bị tiến hành gần hai năm với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia Pháp (nhà bảo tàng học Christine Hemmet và nhà thiết kế đồ họa Patrick Hoarau). Nhóm chuyên môn đã xác định từng vị trí cần thông tin như Phòng Khánh tiết, Phòng Trình quốc thư, Phòng Tổng thống hay vị trí cắm cờ tại Dinh ngày 30-4-1975. Mỗi vị trí tương ứng với một bảng giới thiệu gồm ba ngữ Việt, Anh, Pháp với nội dung được biên soạn cô đọng, súc tích, chính xác. Mỗi bảng có một tấm ảnh được chọn lọc kỹ càng phản ánh lịch sử chân thực và sinh động.



Toàn bộ lộ trình tham quan mới được dẫn dắt bằng 35 bảng giới thiệu thiết kế chuyên nghiệp, bố cục hài hòa, màu đỏ bắt mắt, cỡ chữ phù hợp. Cùng với các bảng này là các biển hướng dẫn lối đi để khách có thể tự di chuyển dễ dàng từ phòng này đến phòng khác, từ tầng dưới lên tầng trên và ngược lại. Chính hệ thống các bảng giới thiệu và biển chỉ dẫn này đã góp phần tạo ra bản sắc mới của di tích.

Sự thay đổi lộ trình tham quan mới ở Dinh Độc Lập đã đón nhận sự quan tâm đặc biệt của du khách. Cách làm đưa bảo tàng vào di tích hay nói một cách khác làm cho di tích trở thành bảo tàng này như một sự đột phá trong việc phát huy giá trị của di tích, làm cho khách tham quan dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn nội dung của di tích. Hy vọng cách làm mới này giúp các di tích và bảo tàng ở nước ta có thêm được một mô hình tốt để tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy-Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia

(Nguồn:www.nhandan.com.vn)

 

Bảo vật vô giá trong chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh

Xây dựng từ thế kỷ 17, chùa Bút Tháp vẫn lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, đặc biệt là bảo tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng về dân ca quan họ, Bắc Ninh còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước với nhiều ngôi chùa cổ. Bên cạnh chùa Dâu, chùa Phật Tích…, chùa Bút Tháp là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình du xuân đầu năm của nhiều Phật tử và du khách phương xa.

Chùa Bút Tháp nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ Hà Nội, bạn có thể qua cầu Chương Dương và men theo đường đê sông Đuống hoặc đi thẳng hướng quốc lộ 5, đến ngã ba Sủi rẽ trái hơn 10 km là đến chùa Bút Tháp. Bằng không, bạn bắt xe buýt 204 xuống Xuân Lâm và đi xe ôm chừng 5 km nữa.

 Chùa Bút Tháp nhìn từ cổng vào. Ảnh: Kim Anh.

Theo con đường chạy xuyên qua cánh đồng lúa bạt ngàn, bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp trầm mặc, trang nghiêm của ngôi chùa cổ. Lối dẫn vào chùa là con đường gạch đá rêu phong cùng hàng cau xanh mướt. Không gian thanh tịnh bao trùm khi ngay trước sân chính là hai cây đa rễ rủ như buông màn.
Không bước vào bằng cửa chính như những ngôi chùa khác, du khách đến viếng thăm chùa phải đi qua cánh cổng nhỏ vừa đủ một người qua ở phía hiên chùa. Tới đây, bạn sẽ nhận thấy hiếm có ngôi chùa cổ nào mà quy mô kiến trúc lớn và bề thế như chùa Bút Tháp.
Cụm kiến trúc trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường "thần đạo" và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là tòa Tiền Đường, Thượng Điện, Cầu Đá, tòa Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, tòa Hậu Đường và hàng tháp đá.

Tượng La Hán thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo. Ảnh: Kim Anh.

Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng nam, hướng truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật, hướng Nam là hướng của trí tuệ, của bát nhã. Với cách bố trí độc đáo, chặt chẽ và sinh động, cộng với sự kết hợp hài hòa các chất liệu gạch, gỗ, đá… du khách vãn cảnh chùa như được bước vào con đường tu đạo với một tâm hồn nhẹ bẫng.
Đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa, chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ. Nổi bật là bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 2,35 m (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng), có 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ. Một trong những vẻ đẹp riêng của pho tượng là các cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt.
Tượng tọa trên đài sen do một con rồng nhô lên từ mặt nước đội lấy. Phía trên đầu là các pho tượng Phật ngồi cao dần, và trên cùng là Phật A Di Đà, Đức Phật của cõi Tây Phương cực lạc. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.

Tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Ảnh: phatgiao.vn

Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Thị Kính. Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ..., còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo.

Đền phủ thờ nằm sau Phật điện, trong ngôi nhà 5 gian đặt hai pho tượng quý, tạc chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (nhà Lê) đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Từ thượng điện, đi qua một chiếc cầu đá có 3 nhịp uốn cong, bạn sẽ bắt gặp cây Cửu Phẩm Liên Hoa trong Tích Thiện am. Đây là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại.

Còn rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn trong ngôi chùa cổ này đang chờ bạn khám phá, nhất là mùa lễ hội du xuân 2014 đang đến gần.

Vy An
 

 

 

Danh thắng Yên Tử chuẩn bị vào mùa lễ hội 2014

Danh thắng Yên Tử là Kinh đô Phật giáo của Việt Nam với giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống du lịch văn hóa tâm linh của vùng Hà Nội - Hải Phòng và khu vực phía Bắc.
Yên Tử có mối liên hệ chặt chẽ, gắn kết lâu dài trong lịch sử với quần thể di tích nhà Trần vùng đất Đông Triều. Các di tích nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động - Bắc Giang là một những điểm di tích có các Di sản vật thể và phi vật thể vô giá tạo nên những giá trị văn hóa hết sức to lớn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 


Hàng năm, Yên Tử đón hàng triệu lượt khách về tham quan, vãn cảnh. Để phục vụ du khách về Hội xuân Yên Tử năm 2014, Ban quản lý khu di tích Yên Tử đang gấp rút triển khai các công việc để Hội xuân Yên Tử trở thành một điểm hẹn văn hóa của du khách trong và ngoài nước với mục tiêu: Thực hiện nhiệm vụ đón khách tham quan Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử năm 2014 nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tôn vinh và phát huy các giá trị của Khu Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.
Đồng thời quảng bá hình ảnh non thiêng Yên Tử, hình ảnh vùng đất và con người Thành phố Uông Bí tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hội xuân Yên Tử sắp đến gần, báo hiệu một mùa lễ hội sẽ thu hút lượng khách về tham quan vãn cảnh Yên Tử tăng đột biến. Để làm tốt công tác Hội xuân năm nay, Ban quản lý khu di tích danh thắng Yên Tử đang gấp rút triển khai các công việc: Phối hợp cùng các Chùa trang trí, sắp xếp nội tự gọn gàng. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, không để người dân bán hàng không đúng nơi quy định, bán hàng rong trên tuyến đường hành hương.

Ban quản lý khu di tích kiên quyết không để hiện tượng đánh bạc, cò mồi, bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng, mời chào, chèo kéo khách thiếu văn minh lịch sự trong mùa lễ hội.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Uông Bí, bắt đầu từ năm nay địa phương này không tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại Khu Di tích Yên Tử.
Cùng đó, Ban quản lý khu di tích cũng sẽ bố trí địa điểm phục vụ công tác sơ cấp cứu trên toàn tuyến di tích. Xây dựng các phương án chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường du lịch Yên Tử đặc biệt là những ngày cuối tuần tháng giêng nhằm phục vụ du khách thập phương về trẩy hội./.

Minh Thường - Trà My (Nguồn: Báo Dân Trí)


Quảng Ninh điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam

Written By Unknown on Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013 | 10:44

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới 2 lần vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2011, Vịnh Hạ Long đươc bầu là một trong Bảy kì quan thiên nhiên mới của Thế Giới do Tổ chức tư nhân New Open World (NOWC) thực hiện.

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ, phía tây tựa lưng vào núi rừng. Bề ngang từ đông sang tây, nơi rộng nhất là 195 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 102 km.  Phía đông bắc của tỉnh giáp với Trung Quốc, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ, có chiều dài bờ biển 250 km, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, đồng thời phía tây bắc giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn.

Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ năm 1994. Năm 2000, lại được công nhận di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 3 dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh.

Năm 2011, Vịnh Hạ Long đươc bầu là một trong Bảy kì quan thiên nhiên mới của Thế Giới sau một cuộc bình chọn do Tổ chức tư nhân New Open World (NOWC) thực hiện.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai ngàn hòn đảo nổi trên mặt biển cũng đều là các núi mà phần lớn là núi đá vôi.

* Địa hình của tỉnh có thể chia làm 3 vùng:
 - Vùng núi: vùng núi phía Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái với hai dãy núi chính: dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.330 m) vùng núi phía tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ, phía bắc thị xã Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc huyện Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) và đỉnh Am Váp (1.094 m).
-  Vùng trung du và đồng bằng ven biển: gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Tuy có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng vùng trung du và đồng bằng ven biển thuận tiện cho nông nghiệp và giao thông bao gồm những vùng dân cư trù phú của Quảng Ninh.
-  Vùng biển và hải đảo là một vùng địa hình độc đáo: hơn hai ngàn hòn đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp. Phần lớn là đảo đá vôi nguyên là vùng địa hình bị nước bào mòn tạo nên muôn vàn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú.

Địa hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20 m. Có những lạch sâu là di tích các  dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng

* Sông ngòi: Quảng Ninh có tất cả khoảng 30 sông, suối với chiều dài trên 10km, trong đó có 4 con sông lớn là hạ lưu sông Thái Bình, sông Ka Long, sông Tiên Yên, sông Ba Chẽ. Tuy nhiên, hầu hết các sông suối đều ngắn, nhỏ và độ dốc lớn. Lưu lượng và lưu tốc rất khác biệt giữa các mùa. Vào mùa đông, các sông cạn nước, có chỗ trơ ghềnh đá nhưng mùa hạ lại ào ào thác lũ, nước dâng cao rất nhan.

* Hành chánh: gồm 14 đơn vị: 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện (trong đó có 2 huyện đảo).

* Khí hậu: Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa gồm có mùa hạ nóng ẩm với mùa mứ, mùa đông lạnh với mùa khô. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 21 – 23 độ C.

Mùa lạnh thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, trong khi đó mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến  tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa  là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10).

* Dân số: tỉnh Quảng Ninh theo điều tra dân số năm 2011 là 1 163 700 người phân bố trên diện tích 6102,4 km2, bao gồm 34 dân tộc  cùng sinh sống. Trong đó, người Kinh đông nhất với 1.011.794 người, tiếp sau đó là người Dao, người Tày, Sán Dìu, Sán Cháy, người Hoa, ngoài ra còn có các dân tộc ít người khác như người Nùng, người Mường, người Thái…

* Thắng cảnh và di tích: Vịnh Hạ Long: là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam,thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long

Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu, văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo
Khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km2 với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về văn hoá, thẩm mĩ, địa chất, sinh học và kinh tế. Trên vịnh có nhiều đảo đất, hang động, bãi tắm, cảnh quan đẹp thuận lợi cho phát triển nhiều điểm, nhiều hình thức du lịch hấp dẫn. Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia, động lực phát triển vùng du lịch Bắc Bộ.
Với các giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất, địa mạo, lại là trung tâm của khu vực có nhiều yếu tố đồng dạng bao gồm vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc, quần đảo Cát Bà với vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ phía Tây Nam, vịnh Hạ Long hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với loại hình đa dạng.

Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rạn san hô, câu cá giải trí. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền. Các loại hình du lịch du thuyền tại vịnh Hạ Long bao gồm tham quan Vịnh ban ngày, đi tour buổi chiều ngắm hoàng hôn trên Vịnh, du thuyền đêm để ngắm cảnh Vịnh về đêm kết hợp với câu cá mực, thậm chí có thể tự chèo thuyền kayak để khám phá Vịnh.

*   Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi nằm ven biển, một nửa nằm dưới nước, thuộc khu di sản Vịnh Hạ Long. Trên núi này còn lưu lại các bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông khắc trên đá năm 1468,   và của Trịnh Cương năm 1729. Các bài thơ này đã đem lại tên gọi cho núi.

Núi Bài Thơ

*  Hang động: 1 số hang động đẹp:

- Hang Thiên Cung: nằm trên đảo Đầu gỗ ở độ cao 27m so với mực nước biển

-  Hang Đầu gỗ: nằm trên đảo Đầu gỗ, rộng khoảng 5000 m2, nằm ở độ cao 27m so với mực nước biển, cửa hang rộng 17 m và cao 12 m. Hang chia thành 3 ngăn. Ngăn thứ nhất, hệ thống nhũ đá có nhiều hình ảnh quen thuộc với cuộc sống: sư tử, trăn, rùa, và thậm chí cả hình ảnh đôi gà chọi... Ngăn thứ hai, tựa như một bức tranh hoành tráng  với hình ảnh những hòn đảo đá lô nhô trên sóng nước. Ngăn thứ 3, là hình ảnh những cột đá khổng lồ

Hang Đầu Gỗ

- Hang Sửng Sốt: nằm bên trong đảo Bồ Hòn, được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn một như một nhà hát lớn rộng thênh thang, ngăn 2 rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người,

- Hang Luồn: nằm ở phía đông bắc đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 1 km, nổi tiếng với một hồ nước hình tròn khép kín bởi núi. Cửa hang chỉ cao từ 2,5m đến 4m tùy theo con nước thủy triều. Muốn vào được bên trong phải dùng thuyền chèo nhỏ.

Hang Luồn

- Hang Trống và Hang Trinh Nữ: nằm ở trên hai cánh cửa một vòng cung núi nhỏ phía đông dãy đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt hơn 3km theo đường biển về phía đông nam. Hai hang  cách nhau 700-800m qua một vụng biển nhỏ. Các cửa hang quay về hướng khác nhau. Đứng từ hang này mà hét to thì ở hang kia có thể nghe thấy. Hai hang này chẳng những có rất nhiều nhũ đá và cảnh đẹp mà còn hấp dẫn du khách vì một sự tích rất cảm động. Hang Trống còn có di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hoá Soi Nhụ, có niên đại cách ngày nay từ  18.000 - 7.000 năm.

* Khu di tích Yên Tử: bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi. Yên Tử là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại

Khu di tích Yên Tử

Đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Chùa Giải Oan – Hoa Yên - Cổng Trời, tiếp đó là chùa Phổ Đà, chùa Bảo Sái và toạ lạc ở điểm cao nhất của dãy Yên Tử là ngôi chùa Đồng.

Bãi tắm: Hàng chục bãi tắm đẹp, hiện đại như ở Trà Cổ (Móng Cái), Cô Tô, Bãi Cháy, đảo Tuần Châu được cải tạo, nâng cấp với nhiều loại hình dịch vụ phục vụ đa dạng các nhu cầu của du khách.  

Bãi tắm Cô Tô

·    Bãi cọc Bạch Đằng:  là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt do Ngô Quyền khởi xướng vào năm 938 trong trận đại phá quân Nam Hán. Sông Bạch Đằng là sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. 

Bãi cọc Bạch Đằng


















Chùa Núi-Điểm du lịch tâm linh ở Bình Thuận

Written By Unknown on Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013 | 21:17

Núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) chỉ cách Tp.Hồ Chí Minh 170km là địa điểm du lịch thu hút rất đông du khách đến ngoạn cảnh. Nơi đây có thắng cảnh chùa Núi nổi tiếng là điểm du lịch tâm linh. Sự kiện tượng Phật nhập Niết bàn của chùa được công nhận đạt Kỷ lục Châu Á càng tăng thêm sức hút của địa danh này.
Có hai cách để lên núi: leo núi và cáp treo.

Nếu muốn “thử sức trẻ”, các bạn sẽ leo núi, vượt qua 2.250m đường dốc cheo leo, khúc khuỷu với những bậc đá chông chênh. Lên được hơn 200m, có những dòng suối nhỏ vắt ngang, tuôn chảy xuống sườn núi tạo nên một hình ảnh đẹp kỳ thú, tranh thủ rửa mặt để tận hưởng sự tinh khiết của nước suối trong mát. Đi khoảng nửa chặng đường, du khách phải vượt qua một đoạn dốc cao nhất: mỏi gối, nặng chịt, mệt nhọc! Nhưng nhờ có những cây bằng lăng cổ thụ sừng sửng che mát, tiếng chim ríu rít hót vang cùng làn gió lâu lâu thổi mát rượi, sẽ giúp du khách dễ thở hơn bởi không khí mát lạnh, bao mỏi mệt như tan biến. Qua đoạn dốc cao nhất này, nửa đoạn đường sau trở nên dễ dàng hơn, ngước mắt chiêm ngưỡng bầu trời xanh thoắt ẩn, thoắt hiện qua những tán lá cây rừng và thung lũng mờ ảo bởi màn sương dưới núi…
Tiếp tục bước lên hàng trăm bậc tam cấp, du khách đến chùa Núi hay chùa Linh Sơn Trường Thọ(*).

Đến viếng cảnh chùa, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của núi rừng, cảm nhận sự thanh tịnh, yên bình trong bầu không khí trong lành mà còn được chứng kiến các công trình nghệ thuật đặc sắc. Đó là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m, cao 11 trên đỉnh núi. Công trình này vừa được công nhận Kỷ lục Châu Á là “tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á”. Tượng Phật toát lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị. (**). Xung quanh pho tượng là rừng cây xào xạc khiến khách hành hương cảm thấy trầm lắng và thanh thản.


Cách pho tượng khoảng 50m về phía dưới là nhóm tượng Di Đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, đứng trên đài sen: Tượng A Di Đà ở giữa, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế Chí. Cả ba tượng cao 6, 5-7m với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian như sẵn sàng cứu nhân độ thế được xây dựng ở độ cao khoảng 450m so với mặt nước biển, từ đây có thể nhìn xuống bao quát cả một vùng Hàm Thuận Nam.


 
Hằng năm vào các dịp lễ, dịp rằm du khách đi lễ chùa Núi rất đông, nhất là vào ngày giỗ Tổ sư (5-10 âm lịch).

Du khách hành hương đa số là người có tuổi, để tiết kiệm thời gian và sức khỏe cho những điểm tham quan trong tour Hàm Thuận Nam – Phan Thiết ( như đảo Hòn Bà, Mũi Kê Gà, đồi cát bay), quý khách thường sử dụng cáp treo. Ngồi trong cabin lướt trên những ngọn cây xanh ngát, đây đó một vài cành phượng vĩ đỏ tươi, ai cũng cảm thấy thật khoan khoái, dễ chịu. Chúng ta còn nhận ra ngọn hải đăng Kê Gà có hơn 100 tuổi vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn. Những cánh rừng, đồng lúa và vườn thanh long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những làng xóm mái ngói đỏ. Hệ thống cáp treo hiện đại ở núi Tà Cú có chiều dài 1,6km, cao 505m đã tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan nên lượng du khách đến đây tăng hằng năm.
(*) Chùa Linh Sơn Trường Thọ (còn gọi là chùa Tổ, chùa Trên) và chùa Linh Sơn Long Đoàn (chùa Dưới). Tổ sư khai sơn chùa Núi là vị Thiền sư Trần Hữu Đức (1812 - 1888) nổi tiếng đạo hạnh, cảm phục được cả thú dữ, hiện còn có mộ đệ tử là Bạch Hổ dưới chân Tháp Tổ. Tổ sư còn có tài phục dược, bốc thuốc chữa trị bệnh cho bá tánh. Năm Tự Đức thứ 33, nhờ các chú chuẩn đề và cây thuốc từ núi Tà Cú do Tổ sư gửi về triều đã chữa hết bệnh nan y cho Hoàng Thái hậu tại Huế. "Linh Sơn Trường Thọ" là bốn chữ được vua Tự Đức ân tứ sắc phong để tạ ơn Tổ sư và nhà sư là "Đại lão hòa thượng". Đến khi nhà sư Hữu Đức viên tịch (nhằm ngày 5 tháng 10 năm 1887 âm lịch) thì sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên..



(**) Công trình do kỹ sư Trương Đình Ý chủ trì được tạo tác từ năm 1958 đến 1962 do công sức lao động của con người, không có máy móc hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam. Đó là công việc thầm lặng, không phô trương, chỉ có niềm tin vượt lên trên mọi trở ngại của núi rừng. Công trình được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1993 và được xem là điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế.


 
 
Support : Sitemap | Back Link | Liên hệ
Copyright © 2011. Huan Blog - All Rights Reserved
Ghi rõ nguồn http://huanthai.blogspot.com khi phát hành lại thông tin trang Huân Blog
HuanThai