Núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận)
chỉ cách Tp.Hồ Chí Minh 170km là địa điểm du lịch thu hút rất đông du khách đến
ngoạn cảnh. Nơi đây có thắng cảnh chùa Núi nổi tiếng là điểm du lịch tâm linh.
Sự kiện tượng Phật nhập Niết bàn của chùa được công nhận đạt Kỷ lục Châu Á càng
tăng thêm sức hút của địa danh này.
Có
hai cách để lên núi: leo núi và cáp
treo.
Nếu
muốn “thử sức trẻ”, các bạn sẽ leo núi, vượt qua 2.250m đường dốc cheo leo,
khúc khuỷu với những bậc đá chông chênh. Lên được hơn 200m, có những dòng suối
nhỏ vắt ngang, tuôn chảy xuống sườn núi tạo nên một hình ảnh đẹp kỳ thú, tranh
thủ rửa mặt để tận hưởng sự tinh khiết của nước suối trong mát. Đi khoảng nửa
chặng đường, du khách phải vượt qua một đoạn dốc cao nhất: mỏi gối, nặng chịt,
mệt nhọc! Nhưng nhờ có những cây bằng lăng cổ thụ sừng sửng che mát, tiếng chim
ríu rít hót vang cùng làn gió lâu lâu thổi mát rượi, sẽ giúp du khách dễ thở
hơn bởi không khí mát lạnh, bao mỏi mệt như tan biến. Qua đoạn dốc cao nhất
này, nửa đoạn đường sau trở nên dễ dàng hơn, ngước mắt chiêm ngưỡng bầu trời
xanh thoắt ẩn, thoắt hiện qua những tán lá cây rừng và thung lũng mờ ảo bởi màn
sương dưới núi…
Tiếp
tục bước lên hàng trăm bậc tam cấp, du khách đến chùa Núi hay chùa
Linh Sơn Trường Thọ(*).
Đến
viếng cảnh chùa, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của núi rừng, cảm
nhận sự thanh tịnh, yên bình trong bầu không khí trong lành mà còn được chứng
kiến các công trình nghệ thuật đặc sắc. Đó là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn
dài 49m, cao 11 trên đỉnh núi. Công trình này vừa được công nhận Kỷ lục Châu Á
là “tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á”. Tượng Phật toát
lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị. (**). Xung quanh pho
tượng là rừng cây xào xạc khiến khách hành hương cảm thấy trầm lắng và thanh thản.
Cách pho tượng khoảng
50m về phía dưới là nhóm tượng Di Đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, đứng trên đài
sen: Tượng A Di Đà ở giữa, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế
Chí. Cả ba tượng cao 6, 5-7m với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian
như sẵn sàng cứu nhân độ thế được xây dựng ở độ cao khoảng 450m so với mặt nước
biển, từ đây có thể nhìn xuống bao quát cả một vùng Hàm Thuận Nam.
Hằng
năm vào các dịp lễ, dịp rằm du khách đi lễ chùa Núi rất đông, nhất là vào ngày
giỗ Tổ sư (5-10 âm lịch).
Du
khách hành hương đa số là người có tuổi, để tiết kiệm thời gian và sức khỏe cho
những điểm tham quan trong tour Hàm Thuận Nam – Phan Thiết ( như đảo Hòn Bà,
Mũi Kê Gà, đồi cát bay), quý khách thường sử dụng cáp treo. Ngồi trong cabin lướt
trên những ngọn cây xanh ngát, đây đó một vài cành phượng vĩ đỏ tươi, ai cũng cảm
thấy thật khoan khoái, dễ chịu. Chúng ta còn nhận ra ngọn hải đăng Kê Gà có hơn
100 tuổi vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn. Những
cánh rừng, đồng lúa và vườn thanh long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những
làng xóm mái ngói đỏ. Hệ thống cáp treo hiện đại ở núi Tà Cú có chiều dài
1,6km, cao 505m đã tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan nên lượng du khách
đến đây tăng hằng năm.
(*) Chùa Linh Sơn Trường Thọ (còn gọi là chùa Tổ, chùa
Trên) và chùa Linh Sơn Long Đoàn (chùa Dưới). Tổ sư khai sơn chùa Núi là vị Thiền
sư Trần Hữu Đức (1812 - 1888) nổi tiếng đạo hạnh, cảm phục được cả thú dữ, hiện
còn có mộ đệ tử là Bạch Hổ dưới chân Tháp Tổ. Tổ sư còn có tài phục dược, bốc
thuốc chữa trị bệnh cho bá tánh. Năm Tự Đức thứ 33, nhờ các chú chuẩn đề và cây
thuốc từ núi Tà Cú do Tổ sư gửi về triều đã chữa hết bệnh nan y cho Hoàng Thái
hậu tại Huế. "Linh Sơn Trường Thọ" là bốn chữ được vua Tự Đức ân tứ sắc
phong để tạ ơn Tổ sư và nhà sư là "Đại lão hòa thượng". Đến khi nhà
sư Hữu Đức viên tịch (nhằm ngày 5 tháng 10 năm 1887 âm lịch) thì sư Tâm Hiền lập
ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa
Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên..
(**) Công trình do kỹ sư Trương Đình Ý chủ trì được tạo
tác từ năm 1958 đến 1962 do công sức lao động của con người, không có máy móc
hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam.
Đó là công việc thầm lặng, không phô trương, chỉ có niềm tin vượt lên trên mọi
trở ngại của núi rừng. Công trình được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận
di tích cấp quốc gia vào năm 1993 và được xem là điểm đến không thể thiếu của
du khách trong nước và quốc tế.
Đăng nhận xét
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết
- Để tránh Spam do vậy các Comment có những lời lẽ không có văn hoá sẽ bị khoá
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
Xin chân thành cảm ơn