Quảng Ninh điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam | Huan Blog

Preview
Home » , » Quảng Ninh điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam

Quảng Ninh điểm du lịch hấp dẫn ở Việt Nam

Written By Unknown on Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013 | 10:44

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới 2 lần vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2011, Vịnh Hạ Long đươc bầu là một trong Bảy kì quan thiên nhiên mới của Thế Giới do Tổ chức tư nhân New Open World (NOWC) thực hiện.

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ, phía tây tựa lưng vào núi rừng. Bề ngang từ đông sang tây, nơi rộng nhất là 195 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 102 km.  Phía đông bắc của tỉnh giáp với Trung Quốc, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ, có chiều dài bờ biển 250 km, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, đồng thời phía tây bắc giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn.

Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ năm 1994. Năm 2000, lại được công nhận di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 3 dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh.

Năm 2011, Vịnh Hạ Long đươc bầu là một trong Bảy kì quan thiên nhiên mới của Thế Giới sau một cuộc bình chọn do Tổ chức tư nhân New Open World (NOWC) thực hiện.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai ngàn hòn đảo nổi trên mặt biển cũng đều là các núi mà phần lớn là núi đá vôi.

* Địa hình của tỉnh có thể chia làm 3 vùng:
 - Vùng núi: vùng núi phía Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái với hai dãy núi chính: dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.330 m) vùng núi phía tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ, phía bắc thị xã Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc huyện Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) và đỉnh Am Váp (1.094 m).
-  Vùng trung du và đồng bằng ven biển: gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Tuy có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng vùng trung du và đồng bằng ven biển thuận tiện cho nông nghiệp và giao thông bao gồm những vùng dân cư trù phú của Quảng Ninh.
-  Vùng biển và hải đảo là một vùng địa hình độc đáo: hơn hai ngàn hòn đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp. Phần lớn là đảo đá vôi nguyên là vùng địa hình bị nước bào mòn tạo nên muôn vàn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú.

Địa hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20 m. Có những lạch sâu là di tích các  dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng

* Sông ngòi: Quảng Ninh có tất cả khoảng 30 sông, suối với chiều dài trên 10km, trong đó có 4 con sông lớn là hạ lưu sông Thái Bình, sông Ka Long, sông Tiên Yên, sông Ba Chẽ. Tuy nhiên, hầu hết các sông suối đều ngắn, nhỏ và độ dốc lớn. Lưu lượng và lưu tốc rất khác biệt giữa các mùa. Vào mùa đông, các sông cạn nước, có chỗ trơ ghềnh đá nhưng mùa hạ lại ào ào thác lũ, nước dâng cao rất nhan.

* Hành chánh: gồm 14 đơn vị: 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện (trong đó có 2 huyện đảo).

* Khí hậu: Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa gồm có mùa hạ nóng ẩm với mùa mứ, mùa đông lạnh với mùa khô. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 21 – 23 độ C.

Mùa lạnh thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, trong khi đó mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến  tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa  là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10).

* Dân số: tỉnh Quảng Ninh theo điều tra dân số năm 2011 là 1 163 700 người phân bố trên diện tích 6102,4 km2, bao gồm 34 dân tộc  cùng sinh sống. Trong đó, người Kinh đông nhất với 1.011.794 người, tiếp sau đó là người Dao, người Tày, Sán Dìu, Sán Cháy, người Hoa, ngoài ra còn có các dân tộc ít người khác như người Nùng, người Mường, người Thái…

* Thắng cảnh và di tích: Vịnh Hạ Long: là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam,thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long

Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu, văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo
Khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km2 với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về văn hoá, thẩm mĩ, địa chất, sinh học và kinh tế. Trên vịnh có nhiều đảo đất, hang động, bãi tắm, cảnh quan đẹp thuận lợi cho phát triển nhiều điểm, nhiều hình thức du lịch hấp dẫn. Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia, động lực phát triển vùng du lịch Bắc Bộ.
Với các giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất, địa mạo, lại là trung tâm của khu vực có nhiều yếu tố đồng dạng bao gồm vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc, quần đảo Cát Bà với vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ phía Tây Nam, vịnh Hạ Long hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với loại hình đa dạng.

Đến vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rạn san hô, câu cá giải trí. Hiện nay, khách đến vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền. Các loại hình du lịch du thuyền tại vịnh Hạ Long bao gồm tham quan Vịnh ban ngày, đi tour buổi chiều ngắm hoàng hôn trên Vịnh, du thuyền đêm để ngắm cảnh Vịnh về đêm kết hợp với câu cá mực, thậm chí có thể tự chèo thuyền kayak để khám phá Vịnh.

*   Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi nằm ven biển, một nửa nằm dưới nước, thuộc khu di sản Vịnh Hạ Long. Trên núi này còn lưu lại các bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông khắc trên đá năm 1468,   và của Trịnh Cương năm 1729. Các bài thơ này đã đem lại tên gọi cho núi.

Núi Bài Thơ

*  Hang động: 1 số hang động đẹp:

- Hang Thiên Cung: nằm trên đảo Đầu gỗ ở độ cao 27m so với mực nước biển

-  Hang Đầu gỗ: nằm trên đảo Đầu gỗ, rộng khoảng 5000 m2, nằm ở độ cao 27m so với mực nước biển, cửa hang rộng 17 m và cao 12 m. Hang chia thành 3 ngăn. Ngăn thứ nhất, hệ thống nhũ đá có nhiều hình ảnh quen thuộc với cuộc sống: sư tử, trăn, rùa, và thậm chí cả hình ảnh đôi gà chọi... Ngăn thứ hai, tựa như một bức tranh hoành tráng  với hình ảnh những hòn đảo đá lô nhô trên sóng nước. Ngăn thứ 3, là hình ảnh những cột đá khổng lồ

Hang Đầu Gỗ

- Hang Sửng Sốt: nằm bên trong đảo Bồ Hòn, được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn một như một nhà hát lớn rộng thênh thang, ngăn 2 rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người,

- Hang Luồn: nằm ở phía đông bắc đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 1 km, nổi tiếng với một hồ nước hình tròn khép kín bởi núi. Cửa hang chỉ cao từ 2,5m đến 4m tùy theo con nước thủy triều. Muốn vào được bên trong phải dùng thuyền chèo nhỏ.

Hang Luồn

- Hang Trống và Hang Trinh Nữ: nằm ở trên hai cánh cửa một vòng cung núi nhỏ phía đông dãy đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt hơn 3km theo đường biển về phía đông nam. Hai hang  cách nhau 700-800m qua một vụng biển nhỏ. Các cửa hang quay về hướng khác nhau. Đứng từ hang này mà hét to thì ở hang kia có thể nghe thấy. Hai hang này chẳng những có rất nhiều nhũ đá và cảnh đẹp mà còn hấp dẫn du khách vì một sự tích rất cảm động. Hang Trống còn có di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hoá Soi Nhụ, có niên đại cách ngày nay từ  18.000 - 7.000 năm.

* Khu di tích Yên Tử: bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi. Yên Tử là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại

Khu di tích Yên Tử

Đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Chùa Giải Oan – Hoa Yên - Cổng Trời, tiếp đó là chùa Phổ Đà, chùa Bảo Sái và toạ lạc ở điểm cao nhất của dãy Yên Tử là ngôi chùa Đồng.

Bãi tắm: Hàng chục bãi tắm đẹp, hiện đại như ở Trà Cổ (Móng Cái), Cô Tô, Bãi Cháy, đảo Tuần Châu được cải tạo, nâng cấp với nhiều loại hình dịch vụ phục vụ đa dạng các nhu cầu của du khách.  

Bãi tắm Cô Tô

·    Bãi cọc Bạch Đằng:  là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt do Ngô Quyền khởi xướng vào năm 938 trong trận đại phá quân Nam Hán. Sông Bạch Đằng là sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. 

Bãi cọc Bạch Đằng


















Share this article :
Tin liên quan

Đăng nhận xét

Cám ơn các bạn đã đọc bài viết
- Để tránh Spam do vậy các Comment có những lời lẽ không có văn hoá sẽ bị khoá
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi

Xin chân thành cảm ơn

 
Support : Sitemap | Back Link | Liên hệ
Copyright © 2011. Huan Blog - All Rights Reserved
Ghi rõ nguồn http://huanthai.blogspot.com khi phát hành lại thông tin trang Huân Blog
HuanThai